Quan niệm Trương Lỗi

Bấy giờ Nhị Tô cùng Tần Quan, Hoàng Đình Kiên, Triều Bổ Chi nối nhau qua đời, chỉ còn một mình Lỗi, kẻ sĩ tìm đến theo học rất nhiều, cứ cách ngày lại bày rượu thịt để chè chén với ông. Lỗi dạy học trò làm văn, lấy Lý làm chủ, từng lý luận rằng: “Từ Lục kinh trở xuống, cho đến luận thuật của tao nhân biện sĩ thuộc chư tử bách thị, đại để đều nhờ vào Lý mà trình bày đấy. Nên đầu mối của học làm văn, là gấp sáng tỏ Lý, nếu chỉ muốn hay khéo, thì đời chưa từng có vậy! Ôi tháo nước ở Giang, , Hoài, Hải, xuôi dòng mà làm, mênh mông cuồn cuộn, ngày đêm không nghỉ, xô Chỉ Trụ [26], cắt Lữ Lương [27], nương theo sông hồ mà chảy vào bể, thư thái gây sóng gợn, khua khoắng gây sóng cả, khích động gây gió bão, giận dữ gây sấm chớp, khiến thuồng luồng ba ba phun bọt chìm nổi, là biến hóa của nước vậy. Nước ở đầu nguồn, há như vậy sao! Xuôi dòng mà tháo ra, nhân những cuộc gặp gỡ mà thay đổi cuộc đời đấy. Còn như ngòi rãnh đông tháo thì tây cạn, dưới đầy thì trên rỗng, ngày đêm khích động, muốn tỏ gì Kỳ, đến bên kia kìa, ếch và đĩa đang đùa bỡn. Nước của Giang, Hà, Hoài, Hải cũng như văn đạt được Lý, không tìm Kỳ mà đến nơi. Khích động ngòi rãnh mà tìm Kỳ của nước, việc này không tỏ được Lý, còn muốn lấy lời lẽ câu cú làm Kỳ, sẽ nuốt ngược trở vào, rốt cục không có gì, là kém cỏi của văn đấy.” [28] Người có học đều xem lời này là chí ngôn [29].

Lỗi còn nói: “Văn chương là do người, có đầy tâm sự mà phát ra, buột miệng mà nên, không cần nghĩ ngợi mà khéo, không cần đẽo gọt mà đẹp, đều là tự nhiên của thiên lý mà cũng là đạo của bản tính đấy.” [30]

Liên quan